Các công dân ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc đã trở thành những người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 mRNA do nhà sản xuất thuốc địa phương CSPC phát triển. Theo Nhật báo Hà Bắc, vaccine này được tiêm tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng Đào Viên của Thạch Gia Trang vào ngày 13/5.
Theo Phương án tiêm chủng Covid-19 mới nhất do Cơ chế phối hợp phòng chống dịch của Quốc vụ viện Trung Quốc công bố, vaccine tiểu đơn vị protein có tên là SCTV01E do Sino Cell Tech phát triển và vaccine mRNA của CSPC được khuyến nghị ưu tiên sử dụng để tiêm liều tăng cường chủng ngừa Covid-19.
Được Cục Quản lý dược phẩm quốc gia phê duyệt đưa vào sử dụng khẩn cấp vào ngày 22/3, CSPC cho biết vaccine mRNA do công ty phát triển có tác dụng bảo vệ chéo tốt chống lại các biến thể của Omicron. Đây hiện là vaccine mRNA duy nhất được cấp phép sử dụng ở Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, ngày càng nhiều cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ trên mạng xã hội về việc bị mắc Covid-19 lần thứ hai trong những ngày gần đây. Trên nền tảng Sina Weibo giống như Twitter của Trung Quốc, một số người đã đăng ảnh về kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh Covid-19 dương tính, cho biết họ vẫn bị nghẹt mũi và ho, đồng thời không thể nếm được mọi thứ sau khi mắc bệnh lần hai, nhưng các triệu chứng nhẹ hơn so với lần đầu.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, các biến thể Omicron đã trở thành chủng virus chính ở nước này. Hồi cuối tháng 4, chủng phụ XBB của Omicron đã chiếm 97,5% trong các trường hợp nhập cảnh vào Trung Quốc và 74,4% trong số các ca lây nhiễm tại địa phương.
Nhận định các nhóm nguy cơ cao có thể bị nhiễm lần thứ hai trong vòng 6 tháng sau lần nhiễm đầu tiên, phương án tiêm chủng của Trung Quốc đã rút ngắn khoảng cách giữa các lần tiêm từ 6 tháng xuống còn 3 tháng, nhắm mục tiêu đến những người chưa tiêm vaccine Covid-19.
Số trẻ nhiễm RSV tăng cao, vượt Covid-19 và cúm ở Thượng Hải
Thời gian gần đây, các ca nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) đang trở nên phổ biến ở trẻ em Thượng Hải, với tỷ lệ được chẩn đoán vượt qua Covid-19 và cúm, do hoạt động di chuyển của người dân tăng lên sau khi Trung Quốc hạ cấp quản lý Covid-19.
RSV, một loại virus gây ra các triệu chứng tương tự như Covid-19 và cúm, bao gồm sốt, ho, đau họng và đau cơ, gần đây đã khiến các bậc cha mẹ ở Thượng Hải lo lắng vì những khó chịu mà căn bệnh này gây ra cho con cái họ. Nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội về quá trình đấu tranh với căn bệnh này của con mình, trong đó một số trẻ ho nặng, hen suyễn và viêm phổi.
Theo bà Tào Thanh, Trưởng khoa truyền nhiễm thuộc Trung tâm y tế trẻ em của Viện y học Đại học Giao thông Thượng Hải, tỷ lệ trẻ em nhập viện do RSV đã vượt qua Covid-19 và cúm, với một nửa có triệu chứng thở khò khè. Trước đây phần lớn trẻ nhiễm RSV là dưới 2 tuổi, nhưng năm nay có cả trẻ từ 4-6 tuổi.
Bà giải thích, có thể sau khi trải qua dịch Covid-19, mọi người đã quen với việc đeo khẩu trang và cách ly tại nhà, điều này cũng giúp cắt đứt sự lây truyền của RSV. Khi đại dịch qua đi, lưu lượng người tăng lên, “khả năng miễn dịch sẵn có” trong cơ thể giảm sút, khiến tỷ lệ nhiễm RSV tăng cao.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý RSV là bệnh tự giới hạn, có thể xử lý bằng các biện pháp điều trị thông thường và trấn an cha mẹ trẻ không cần quá lo lắng.
Theo bà Tào Thanh, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, nhưng trẻ em, người già và người suy giảm hệ miễn dịch là nhóm có nguy cơ cao. Thời gian ủ bệnh thường từ 2-8 ngày sau khi nhiễm virus, giai đoạn đầu nhiễm bệnh, virus chủ yếu khu trú ở đường hô hấp trên với các biểu hiện lâm sàng như nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho và khàn tiếng. Hầu hết các triệu chứng ở trẻ nhiễm RSV tự khỏi trong vòng 1-2 tuần. Một số ít tiến triển thành nhiễm trùng đường hô hấp dưới với các biểu hiện chính như viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi. Hiện chưa có thuốc đặc trị căn bệnh này, mà mới chỉ điều trị triệu chứng.
Theo chuyên gia này, RSV có thể lây lan từ người bệnh có hoặc không có triệu chứng qua tiếp xúc hoặc ho, hắt hơi, nên bệnh thường bùng phát vào mùa Đông Xuân, tuy nhiên năm nay bùng phát mạnh vào tháng 4 do các biện pháp tự bảo vệ trước Covid-19 trước đó đã ngăn chặn sự lây lan của RSV./.
Gửi phản hồi